Giong cay dan Sam

Giống cây Đan Sâm

3,990,000 VNĐ

Chi tiết sản phẩm

Giống cây Đan Sâm

Giong cay that diep nhat chi hoa

Giong cay that diep nhat chi hoa

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG
CÂY ĐAN SÂM (SALVIA MILTIORRHIZA BUNGE) NGUỒN GỐC
TỨ XUYÊN – TRUNG QUỐC TẠI VIỆT NAM

Tên khoa học: Salvia miltiorrhiza Bunge
Họ: Hoa môi – Lamiaceae
Mục tiêu:
– Đạt năng suất rễ củ đan sâm ở miền núi đạt 8 – 10 tấn/ha, ở đồng bằng đạt 10 – 12 tấn/ha.
– Chất lượng: Đạt hàm lượng tanshinon IIA trên 0,2%

Phần I: Đặc điểm chung
1. Nguồn gốc
Đan sâm là cây nguyên sản của Trung Quốc, Nhật Bản. Ở Trung Quốc đan sâm được trồng nhiều ở các tỉnh như Giang Tô, Hà Nam, Sơn Đông, nhưng tốt nhất là Tứ Xuyên Trung Quốc. Cây cũng được trồng ở Nhật Bản, Triều Tiên và Đức.
2. Đặc điểm thực vật học
Đan sâm là cây thảo sống lâu năm. Rễ nhỏ, dài, hình trụ, đường kính 0,5 – 1,5 cm, màu đỏ nâu (nên còn có tên là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn). Thân cao từ 40 đến 80cm, có 4 cạnh và có lông mềm màu vàng nhạt. Lá kép lông chim lẻ, mọc đối. Mỗi lá kép có từ 3 đến 5 lá chét, đôi khi có 7 lá chét. Lá chét hình tròn trứng hoặc trái xoan, dài từ 2 đến 7cm, rộng từ 0,8 đến 5cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa tròn, hai mặt phủ lông trắng mềm, dày hơn ở mặt dưới, gân lá chằng chịt thành mạng lưới, làm phiến lá như bị rộp lên, lá chét tận cùng lớn hơn, cuống lá dài
Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10 – 15cm, với 6 vòng hoa, mỗi vòng có từ 3 đến 10 hoa, thường là 5 hoa. Hoa hình môi nhỏ màu đỏ tím nhạt; đài chia hai môi, môi trên nguyên, môi dưới xẻ 2 thùy; tràng 2 môi, môi trên dài hơn ống tràng và cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thùy; 2 nhị ở môi dưới, bầu có vòi dài. Quả bế nhỏ, đầu tù, dài 3 mm, rộng 1,5mm, khi chín có màu đen. Mùa hoa tháng 5 – 8, quả tháng 8 – 9.
3. Điều kiện sinh thái
Đan sâm thích hợp với khí hậu mát và ẩm, điều kiện thời tiết và đất quá khô không thích hợp cho sự phát triển của đan sâm, cây phát triển tốt ở nhiệt độ từ 15 – 25oC. Đan sâm ưa môi trường ẩm ướt vừa phải, nhưng khả năng chống chịu lũ lụt và ngập úng kém, độ ẩm đất tối đa khoảng 70% ở các giai đoạn sinh trưởng.
Đan sâm có thể trồng được ở nhiều loại đất khác nhau nhưng phát triển tốt nhất là đất thịt pha cát và sét, pH của đất trong khoảng 6,0 – 8,7.

Phần II: Kỹ thuật trồng trọt
1. Chọn vùng trồng
Cây đan sâm trồng được cả ở miền núi và đồng bằng với các điều kiện:
– Khí hậu mát mẻ, thích hợp với nhiệt độ từ 15 – 25OC.
– Phù hợp với các loại đất pha cát hoặc thịt nhẹ, nhiều mùn, tơi xốp, tầng canh tác sâu, thoát nước tốt. Đất trồng cần đảm bảo sạch bệnh, không có cỏ dại và thuận tiện cho việc tưới tiêu.
– Tránh nơi gần nghĩa trang, bãi tha ma, bãi rác sinh hoạt, bãi rác công nghiệp, nơi có nhiều tàn dư thuốc BVTV, tàn dư của sâu bệnh hại và kim loại nặng.
– Giao thông dễ dàng để thuận lợi cho việc vận chuyển khi thu hoạch.

2. Giống
Giống đan sâm được trồng bằng hạt, chọn hạt giống căng tròn, trên 1 năm tuổi
Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn như sau:
+ Tuổi cây giống (từ lúc giâm ươm đến khi xuất vườn): 50 đến 60 ngày.
+ Chiều cao cây (tính từ mặt bầu): 10 – 15cm
+ Số lá thật: 6 – 10 lá
+ Tình trạng sâu bệnh: Không bị sâu bệnh (tỷ lệ nhiễm sâu bệnh hại là 0%).

3. Thời vụ trồng
– Ở miền núi: Từ 15/2 đến 15/3 hàng năm.
– Ở đồng bằng: 15/11- 15/12

4. Đất trồng và kỹ thuật làm đất
– Chọn đất: Đất trồng đan sâm để lấy dược liệu phải cao ráo, thoát nước như đất pha cát, thịt nhẹ, đất tơi xốp có tầng canh tác dầy, tưới tiêu thuận tiện.
– Làm đất: Đất được cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, rắc vôi bột cải thiện pH và diệt nấm bệnh khi cần thiết. Đất nên để ải 20 – 30 ngày trước khi trồng.
– Lên luống: Cao 30 – 35cm, mặt luống rộng 70 – 80cm, độ rộng rãnh 30cm.
– Bổ hốc: Bổ hốc thành hai hàng, cách hàng 30cm, cây cách cây 30cm, cách mép luống 15 – 20 cm, cho phân bón lót xuống, lấp đất mỏng, đặt cây giống vào trồng. Nếu trồng trên đất dốc phải làm luống theo đường đồng mức để tránh xói mòn đất, thoát nước quá nhanh sau khi mưa.

5. Mật độ và khoảng cách trồng
– Mật độ 111.110 cây/ha (sau khi trừ rãnh 30% còn khoảng 75.000 cây/ha)
– Khoảng cách: 30 x 30cm

6. Kỹ thuật trồng
Đặt cây giống nhẹ nhàng vào giữa hốc đã xác định mật độ khoảng cách. Lấp kín phần gốc rễ, sau đó ấn chặt đất. Trồng xong, phủ rơm rạ lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp, chú ý tưới nước giữ ẩm thường xuyên trong vòng 25 ngày nhưng không để ngập nước. Nếu trời mưa liên tục phải thoát nước ngay để tránh thối cây giống.

7. Chuẩn bị phân bón và kỹ thuật bón phân
7.1. Phân bón cho 1 ha
– Phân chuồng hoai mục: 20 tấn.
– Phân hóa học: 300kg N + 100kg P2O5 + 75kg K2O
(tương ứng 652kg Urê + 625kg Super lân + 125kg Kaliclorua)

7.2. Kỹ thuật bón phân
– Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng và phân lân, hỗn hợp phân phải được trộn đều với nhau và trộn cùng với đất khi cho vào hốc sau đó phủ 1 lớp đất lên.

– Bón thúc:
+ Đợt 1: Sau khi trồng 1 – 2 tháng bón thúc 1/4 lượng đạm urê.
+ Đợt 2: Sau khi trồng 3 – 4 tháng bón thúc 1/4 lượng đạm urê
+ Đợt 3: Sau khi trồng 5 – 6 tháng bón 1/4 lượng đạm urê và ½ lượng kali.
+ Đợt 4: Sau khi trồng 7 – 8 tháng bón 1/4 lượng đạm urê và ½ lượng kali còn lại.
Chú ý: Bón cách gốc 5 – 10cm, tránh để phân tiếp xúc trực tiếp vào lá, sau khi bón tưới nước vừa có tác dụng giữ ẩm cho đất vừa để cây dễ hấp thu phân bón.

8. Chăm sóc, quản lý đồng ruộng
8.1. Chăm sóc
– Giai đoạn cây mới trồng cần kiểm tra, dặm cây đúng mật độ, khoảng cách.
– Tưới nước: Trong thời gian đầu khi mới trồng, việc tưới nước cần phải duy trì thường xuyên 2-3 ngày/lần. Càng về sau số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc, luôn đảm bảo thoát nước tốt.
– Làm cỏ: Làm cỏ cần tiến hành thường xuyên, thường kết hợp với các đợt bón phân thúc.

8.2. Quản lý đồng ruộng
* Đan sâm có thể bị những sâu, bệnh hại như sau:
+ Giai đoạn đầu mới trồng thường bị sâu xám cắn lá mầm, giai đoạn cây phát triển mạnh có sâu khoang, sâu cuốn lá và sâu róm.
+ Trong điều kiện mưa nhiều: Dễ gây bệnh thối gốc, thối rễ do nấm Rhizoctonia solani gây ra.
* Phòng trừ sâu bệnh:
+ Chú ý phòng trừ sâu xám kịp thời tránh ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Có thể dùng thuốc basudin rắc vào buổi chiều tối liều lượng 25 – 27kg/ha, hoặc có thể bắt bằng tay vào sáng sớm.
+ Kiểm tra ruộng định kỳ, loại bỏ và chuyển toàn bộ tàn dư cây bệnh ra khỏi ruộng. Nếu phát hiện cây bị bệnh thối gốc, cần loại bỏ cây và phần đất xung quanh để hạn chế sự phát tán của hạch nấm gây bệnh.
+ Cày hoặc cuốc đất thật sâu trước khi trồng để vùi lấp hạch nấm. Với độ sâu dưới 20 -30cm, hạch nấm sẽ không tồn tại được sau 45 ngày.
+ Khi cây mới trồng phun ngừa bằng các thuốc Vanicide, Anvil, Monceren, Rovral kết hợp xới đất vun gốc. Ngoài ra, cần lên luống cao, tránh để đất quá ẩm hoặc đọng nước.
+ Cây bị bệnh hại có thể sử dụng một số thuốc trừ nấm như: Chế phẩm đối kháng Trichoderma ssp, Hexin, Monceren, Rovral… phun vào thân và gốc cây. Ruộng bị bệnh nặng cần luân canh với cây trồng khác.
Chú ý: Các loại thuốc BVTV nên dùng loại có nguồn gốc từ sinh học, nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu và sức khỏe của người, gia súc.
* Xen canh: Có thể trồng ngô, 1 số loại rau, một số cây họ đậu nhằm cải tạo đất, đồng thời vừa giảm bớt sâu bệnh, vừa tránh được cỏ dại và tăng thu nhập.

9. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
9.1. Thu hoạch:
Cây ở miền núi từ khi trồng đến khi thu hoạch vào khoảng 315 đến 330 ngày, tương ứng với thời điểm cuối năm hoặc sang tháng 1 dương lịch, lúc này cây có biểu hiện hình thái là lá úa vàng, tàn lụi, thu hoạch lúc này đảm bảo hàm lượng hoạt chất của cây được tích lũy ở mức cao nhất, nếu để cây bật mầm vào mùa xuân mới thu hoạch thì năng suất sẽ giảm và hoạt chất sẽ kém.
Đối với cây trồng ở đồng bằng thì từ khi trồng đến khi thu hoạch là 240 ngày, tương ứng với thời điểm cuối tháng 6 dương lịch, giai đoạn này ở đồng bằng thường nắng to và mưa nhiều nên phải thu hoạch đan sâm ngay nếu không rễ sẽ bị thối,
Lúc thu hoạch, nên chọn ngày mát không khô, không ẩm, như thế dễ đào, đỡ tốn công. Rễ đan sâm thường ăn sâu xuống đất từ 20 – 30cm, rễ dễ gãy, lúc đào phải đào xung quanh gốc, sau đó đào vào gốc cho cẩn thận không cho đứt gãy.
Năng suất trung bình khoảng 2,4 tấn rễ khô/ha.

9.2. Sơ chế:
Đan sâm sau khi thu hoạch đem phơi, khi đã héo đi một phần thì rũ hết đất bám trên rễ, sau đó rửa nước sạch, rải lên bạt hoặc giàn phơi, hay bó thành những túm nhỏ, treo ở chỗ thoáng gió, tránh để dính nước. Lúc rễ đã mềm thì loại bỏ những rễ thối hỏng; sau đó lại đem phơi cho khô kiệt. Lúc phơi nên chú ý xem chỗ rễ liền ngay gốc đã khô kiệt chưa, bộ phận này lâu khô nhất, nên lấy dao cắt ra xem, nếu chưa khô kiệt thì phơi tiếp, sau đó bỏ vào sàng qua để cho đất cát lọt xuống, nhặt hết rác rưởi. Cứ 5kg tươi sau khi phơi sấy khô được 1kg khô thành phẩm.

9.3. Bảo quản:
Đan sâm đã khô được đóng gói bằng túi polyetylen dày khó rách, buộc chặt đầu tránh không khí xâm nhập làm ẩm, mất mùi thơm, ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Đóng ngoài là bao gai bền có ghi đầy đủ ký hiệu lô, ngày và nơi sản xuất.
Bao dược liệu được để trên kệ kê cao cách mặt sàn 30cm, để nơi khô ráo, thoáng mát, luôn được kiểm tra tránh mốc mọt. Nếu phát hiện chớm bị mốc cần phơi khô lại ngay. Lấy bàn chải chải sạch, không được rửa bằng nước.
Thời gian bảo quản dược liệu: Dược liệu khô đóng gói kỹ trong điều kiện kho bình thường có thể bảo quản trong thời gian 2 năm.

Địa Chỉ: Khu Đô Thị Linh Đàm – Hoàng Mai – Hà Nội

 

Email : Daihdiu@gmail.com, Y ! Daihdiu, Skype: C1109L07

 

Hotline : 0977.239.888 – 0938.230.989

 

CHÂN THÀNH CẢM ƠN QUÝ KHÁCH HÀNG!